Thứ Hai, 27 tháng 4, 2020

CỘI NGUỒN

Ông cu con hỏi mẹ:
- Có phải con đã chiến thắng hàng triệu con cung quăng để làm con của mẹ không?
- Vấn đề là thế này con ạ: bố con thì cứ tưởng là mình oai hơn cóc nhưng với mẹ thì chỉ là con ếch thích thì vợt mà muốn là thịt. Con có biết con cóc con và con ếch con nó được người ta gọi là con gì không?
- Dạ, con biết rồi đó là con nòng nọc ạ!
- Đúng rồi, cội nguồn của con và bản chất của sự sinh sản bắt đầu từ đó. Vì vậy, con chính là con cóc con trong sự siêu tưởng bở của bố và con ếch con trong sự siêu thực tế của mẹ với cùng một tên gọi là nòng nọc đã chiến thắng hàng chục triệu con nòng nọc khác để làm con của mẹ chứ không phải là con cung quăng!

LỜI NGUYỀN

Một ông quan nọ không biết thế nào lại tự gây thù chuốc oán với một con mẹ phù thủy khiến mụ ta tức giận và ném cho một lời nguyền:
- Sau này nhà ngươi sẽ bị nhiễm một loại virus nguy hiểm và sẽ tiếp tục lây cho người đàn bà mà ngươi đầu gối tay ấp.
Thế rồi sau một chuyến đi Tây trúc lấy kinh ông ta bị nhiễm virus nguy hiểm thật, bà vợ lo sốt vó vì sợ bị ứng vào lời nguyền của mụ phù thủy nên vội vã đi xét nghiệm. Tuy nhiên sau mấy lần xét nghiệm kết quả đều âm tính bèn vỗ bẹn đánh đét:
- Toshiba con mẹ phù thủy làm bà sợ mất ăn, mất ngủ cả tuần, đúng là đồ...vô hại!
Được biết bà này đã ngấp nghé tuổi 60, đồng thì đã khô mà ruộng thì cũng cạn!
May cho bà vợ, tuy nhiên một số cô nhân viên của ông quan kia thì lại không có diễn phúc lắm vì sau đó không hiểu tại sao các cô lại dương tính hàng loạt với loại virus nguy hiểm này!
Xem ra cuộc sống nhiều lúc éo le và trái ngang, lời nguyền nó cứ bị rơi nhầm đối tượng...
Câu chuyện này cho ta một thông điệp là: nếu bạn là sếp hãy cố gắng tỏ ra thân thiện với mọi người kể cả là thân thiện giả tạo để tránh gây thù chuốc oán, đặc biệt là với mấy con mụ phù thủy!

CÁI CẦU TIÊU

Cầu tiêu gắn với thời kỳ bao cấp, không chỉ xuất hiện ở nông thôn mà cả thành thị cũng có. Ở Hà Nội cũng không ngoại lệ, chẳng qua nó có sự thay đổi chút xíu thành nhà xí có cái thùng chứa phân ở phía dưới. Chính vì vậy ở Hà Nội có hẳn một làng tên là Cổ Nhuế chuyên mang sọt rong ruổi khắp đất kinh kỳ để thu gom phân sống.
Cái cầu tiêu một thời gắn liền và vô cùng thân thuộc với người Việt và đất Việt là bởi nền nông nghiệp khi đó thuần túy sử dụng phân hữu cơ, bao gồm phân bắc và phân xanh. Đương nhiên cái phân bắc tức là phân động vật trong đó có phân người quý hơn hẳn phân xanh vốn dĩ ủ từ thực vật.
Dưới thời hợp tác xã, có hẳn một phong trào làm phân bắc, phân xanh. Nhà thơ Bút Tre ngày ấy có thơ ca ngợi thủ lĩnh phát động phong trào sản xuất phân hồi đó:
Hoan hô anh Nguyễn Chí Thanh,
Anh về phân bắc, phân xanh đầy đồng.
Cái ngày ấy, đi đâu cũng thoang thoảng mùi phân bắc, ruồi nhặng bu kín vào các bãi phân rồi vo ve bay khắp nơi nhưng cũng không mấy người kêu ca vì nó gắn liền với bát cơm manh áo của mọi gia đình. Thậm chí đối với nhiều nơi như làng Cổ Nhuế quê hương của đại tướng Văn Tiến Dũng người ta còn tranh cướp, giành giật từng gánh phân ngay giữa phố phường.
Thế rồi khi người ta sản xuất được phân vô cơ, các cánh đồng khi xưa chỉ trông chờ bằng phân bắc, phân xanh dần dần được bón bằng phân vô cơ thì các cái cầu tiêu cùng ít dần và biến mất ở các thành thị lẫn nông.
Đến bây giờ, những người đã sống qua thời kỳ đó mỗi khi nhớ lại cũng không hiểu tại sao người ta lại có thể sống trong môi trường với sự nồng nặc mùi phân sống từ cái cầu tiêu. Tất nhiên, cũng không một ai muốn quay trở về quá khứ không thể nào quên gắn liền với cái cầu tiêu ngày đó!
Thế vậy đấy, khi người ta sống trong một xã hội, một môi trường nồng nặc xú uế, nhơ nhớp, bẩn thỉu có thể người ta chẳng những không thấy khó chịu và bị đầy đọa mà còn có thể cảm thấy hài lòng với cái xã hội, cái môi trường đó. Mọi sự chỉ thực sự thay đổi khi người ta bước hẳn ra ngoài xã hội, cái môi trường đó để rồi chiêm nghiệm lại.
P/s: ảnh chôm trên mạng và lưu ý không đọc stt trước khi ăn.

QUÂN KHU NHÀ TẦNG

Thị xã Thái Bình ngày xưa bé tý chỉ khoảng 2km2 với 3 tiểu khu trung tâm là Trần Phú, Hồng Phong và Đề Thám nằm trong ranh giới từ cầu Bo đến vườn hoa thị xã và từ sông Kỳ Bá đến sông Bồ Xuyên. Các tiểu khu Minh Tiến, Bồ Xuyên và Kỳ Bá coi như vùng ven còn Quang Trung lúc đó gần như là ngoại thị.
Nói về Thị xã Thái Bình ngày trước không thể không nói đến khu nhà tầng, đầu năm 1971 nhà 4 tầng số 1 khánh thành, tiếp đó đến 4 tầng số 2 vào năm 1973 và vì thế ban đầu nó được gọi là khu bốn tầng gắn với dân bốn tầng. Khi nhà 5 tầng khánh thành năm 1978 người ta còn gọi nó là khu nhà tầng.
Khu nhà tầng hay khu bốn tầng trong ký ức của nhiều người lúc đó được coi là trung tâm của thị xã và cả tỉnh với khu nhà cao tầng đầu tiên. Nó còn là nơi cư ngụ của hàng ngũ tinh hoa đất Thái Bình với hàng loạt lãnh đạo tỉnh, thị xã, sĩ quan quân đội và đội ngũ trí thức bao gồm: bác sỹ, kỹ sư, giáo viên...
Vào những năm tám mươi, khi mà nền kinh tế khó khăn và trong giai đoạn chuyển đổi của thời kỳ bao cấp thì khu nhà tầng lại nổi lên với hiện tượng nghiện hút, tệ nạn xã hội đã khiến cho khu nhà tầng trở thành trung tâm tội phạm. Hàng loạt thanh thiếu niên con nhà quan chức, cán bộ, công chức ở khu nhà tầng dính vào nghiện ngập và hình thành những băng nhóm tội phạm để rồi sau đó bỏ mạng vì ma túy hoặc tù tội.
Một điều đặc biệt là thanh, thiếu niên nhà tầng có gây gổ, trộm cắp, đánh đấm, đâm chém ở đâu đó chứ chả mấy khi phạm tội ở khu nhà tầng, trái lại họ vẫn có sự tôn trọng tình thân hàng xóm láng giềng. Chính vì thế có một thằng thanh niên khi ấy là tôi, con một bà giáo nghèo, bố thì mất sớm không hề dính vào nghiện hút, đánh đấm vẫn được các thanh, thiếu niên bất trị, hổ báo khi đó tôn trọng một điều gọi anh xưng em tử tế!
Cũng cần phải nói thêm rằng khu nhà tầng có một sân bóng là nơi tụ tập của thanh, thiếu niên thị xã và vì thế dân nhà tầng lại càng nổi trội trong mắt của dân Thái Bình. Sau này, đi đến đâu với danh tiếng là công dân nhà tầng hay dân bốn tầng tôi đều nhận được sự nể nang nhất định của rất nhiều người!
Nếu nói về Hà Nội, người ta nói đến quân khu Nam Đồng thì ở Thái Bình cũng có một nơi như thế, đó là QUÂN KHU NHÀ TẦNG.
Rồi cái thị xã nhỏ bé nhà xưa cứ to dần, lớn dần... Đến nay nó đã trở thành một thành phố hiện đại với diện tích gần 70km2 gấp hàng chục lần thị xã ngày xưa thì khu nhà tầng cũng xuống cấp trầm trọng. Khu nhà tầng trở nên già nua ở cái tuổi năm mươi được giới trẻ đổ xô đến chụp ảnh ắp phây trước khi nó sắp bị xóa sổ để nhường chỗ cho một khu chung cư hiện đại sắp sửa mọc lên trên mảnh đất vàng!
Khu nhà tầng có thể bị xóa sổ nhưng những con người và danh tiếng vang bóng một thời của nó sẽ vẫn còn in sâu trong tâm thức và tiềm thức của rất nhiều thế hệ trước đây, bây giờ và rất nhiều năm nữa!
Đang trong thời kì cách ly xã hội bởi đại dịch covid, Thành phố Thái Bình lại được cả nước biết đến với vụ việc Đường Nhuệ. Có rất nhiều người hỏi tôi về sự việc này.
Xin thưa, Đường Nhuệ trước đây chỉ là thằng nhà quê vất vưởng vật vờ bên Nga mãi đến năm 2004 mới lóp ngóp bò lên định cư ở Thành phố. Chắc chắn Đường Nhuệ không thể không biết danh tiếng quân khu nhà tầng vì thế kiểu gì cũng phải tìm cách mà né bởi ít nhất vuốt mặt cũng phải kiềng mấy cái mụn trứng cá. Mà các cụ đã nói rồi: mưa không qua ngọ, Đường Nhuệ không có cửa qua mặt dân nhà tầng!
Năm 2004 tôi cũng dời Thái Bình lên Hà Nội nên chỉ biết đến Đường Nhuệ khi truyền thông đăng tải. Tuy nhiên, cứ từ từ mọi việc sẽ được phanh phui dần. Có điều phanh đến đâu rồi dừng thì bố tôi cũng chịu vì nó phụ thuộc vào chính quyền!