Thứ Ba, 13 tháng 5, 2014

QUY HOẠCH BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG: SỰ THỐNG NHẤT TRONG QUẢN LÝ VÀ TIỀN ĐỀ CỦA PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG

I. Sự bất cập của công tác quy hoạch hiện nay và vai trò của Quy hoạch bảo vệ môi trường:
Hiện nay, các loại hình quy hoạch phát triển chưa có được sự gắn kết giữa định hướng phát triển kinh tế - xã hội với các yêu cầu về quản lý và bảo vệ môi trường tự nhiên, sinh thái, môi trường sống và các giá trị bảo tồn văn hóa lịch sử... Vì vậy, trên thực tế đã xảy ra sự chồng chéo và mâu thuẫn giữa các quy hoạch phát triển dẫn đến sự phát vỡ cân bằng giữa bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sịnh học, giá trị lịch sử văn hóa và sự lãng phí, kém hiệu quả trong công tác quy hoạch.
Theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2005, đối tượng phải thực hiện báo cáo đánh giá môi trường chiến lược bao gồm 6 loại hình quy hoạch. Tuy nhiên, việc thực hiện đánh giá môi trường chiến lược đối với các quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực gặp không ít khó khăn và vướng mắc do cơ quan thực hiện quy hoạch không có sự chuyên sâu trong công tác bảo quản lý và vệ môi trường và cũng không có công cụ, thông tin, cơ sở dữ liệu để phân tích, đánh giá sự phù hợp của các quan điểm mục tiêu phát triển với các quan điểm, mục tiêu về quản lý và bảo vệ môi trường trong phạm vi vùng lãnh thổ thực hiện quy hoạch. Mặt khác, hiện nay rất nhiều quy hoạch phát triển trên cùng một vùng lãnh thổ có sự mâu thuẫn, chồng chéo về phạm vi, định hướng và giải phát thực hiện đẫn đến thiếu khả thi khi triển khai thực tế và thường phải điều chỉnh phương án quy hoạch do không đáp ứng các tiêu chí phát triển được đề xuất khi lập quy hoạch.
Với việc phân tích hiện trạng môi trường và điều kiện địa lý, tự nhiên, xã hội và sinh thái trong vùng quy hoạch, phân vùng môi trường theo mục tiêu được xác lập và phân tích các vấn đề liên quan đến hệ thống quản lý và các yêu cầu chung về bảo vệ môi trường theo xu thế phát triển của các ngành kinh tế - xã hội của vùng quy hoạch để đưa ra các định hướng về quản lý và bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học và thảm phủ thực vật, bảo vệ các giá trị văn hóa, lịch sử trong vùng quy hoạch và giải pháp thực hiện, quy hoạch bảo vệ môi trường sẽ xác lập các tiêu chí chung nhằm quản lý thống nhất về môi trường, tạo hàng lang để các quy hoạch phát triển xác lập các tiêu chí, mục tiêu phát triển phù hợp với điều kiện địa lý, tự nhiên, sinh thái nhằm đảm bảo hài hòa giữa các định hướng và giải pháp thực hiện dựa trên 3 trụ cột kinh tế - xã hội - môi trường.
 Việc thực hiện đánh giá môi trường chiến lược cho các loại hình quy hoạch hiện nay gặp nhiều khó khăn do cơ quan thực hiện quy hoạch phát triển không xác định được hiện trạng, diễn biến của các thành phần môi trường và định hướng quản lý và bảo vệ môi trường. Do vậy việc thực hiện quy hoạch bảo vệ môi trường sẽ tạo điều kiện để nâng cao hiệu quả của ĐMC trong vai trò là công cụ phân tích, dự báo các tác động đến môi trường của các quy hoạch phát triển trong quá trình lập quy hoạch và đánh giá mức độ phù hợp của các định hướng, mục tiêu, giải pháp phát triển với các yêu cầu về quản lý và bảo vệ môi trường nhằm đảm bảo phát triển bền vững.
Môi trường có ý nghĩa không gian quan trọng mang ý nghĩa mở và không thể chia cắt theo địa giới hành chính, quản lý và bảo vệ môi trường đòi hỏi có sự thống nhất theo không gian và vùng lãng thổ từ trung ương đến địa phương. Do vậy, các nội dung về quản lý và bảo vệ môi trường phải được xác lập tổng hợp để thực hiện một các thống nhất từ trung ương đến địa phương và giữa các ngành, lĩnh vực phát triển làm cơ sở để phân tích, đề xuất các định hướng, giải pháp phát triển hài hòa lợi ích giữa các địa phương và các ngành, lĩnh vực. Với các phân tích nêu trên, việc thực hiện quy hoạch bảo vệ môi trường có vai trò rất quan trọng, tạo ra động lực và hành lang cho các hoạt động phát triển đảm bảo hài hòa 3 trụ cột kinh tế - xã hội – môi trường.
          Vai trò của Quy hoạch bảo vệ môi trường đối với các quy hoạch phát triển là hết sức rõ ràng:
          - Tạo cơ sở giúp các quy hoạch phát triển có được các định hướng phù hợp với các định hướng của quy hoạch môi trường, giảm chi phí và thời gian lập quy hoạch phát triển;
          - Đưa ra các định hướng phát triển phù hợp với môi trường nền và diễn biến môi trường trong kỳ quy hoạch nhằm hài hòa giữa mục tiêu phát triển KT-XH và  bảo vệ môi trường tự nhiên, sinh thái, môi trường sống và các giá trị bảo tồn văn hóa lịch sử...
          - Thực hiện phục vụ việc sắp xếp, bố trí các hoạt động, biện pháp bảo vệ môi trường cho các vùng lãnh thổ đảm bảo 3 trụ cột kinh tế - xã hội – môi trường.
- Tạo điều kiện để đối sánh giữa quan điểm mục tiêu phát triển của quy hoạch và các quan điểm mục tiêu về phân vùng môi trường, các yêu cầu về bảo vệ môi trường theo phân vùng môi trường đã được xác định.
          Như vậy, Quy hoạch môi trường không có mâu thuẫn và chồng chéo với các quy hoạch phát triển. Với các mục tiêu và nội dung của Quy hoạch môi trường, việc hỗ trợ và hậu thuẫn làm tăng sự thống nhất giữa các quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch phát triển ngành trong một vùng quy hoạch trên cở sở các nội dung và định hướng về quản lý môi trường là rất rõ ràng. Có thể khẳng định: Quy hoạch môi trường sẽ làm giảm sự mâu thuẫn và chồng chéo giữa các quy hoạch phát triển đã, đang và sẽ thực hiện trong cùng một vùng quy hoạch.
II. Vai trò chủ đạo của quy hoạch bảo vệ môi trường trong quản lý, giám sát, bảo vệ môi trương, bảo tồn đa dạng sinh học và bố trí hạ tầng xử lý môi trường:
          Theo các Luật Bảo vệ môi trường năm 2005, Luật Bảo tồn đa dạng sinh học, Luật Tài nguyên nước và Luật Xây dựng, hiện nay đã có các quy hoạch liên quan đến quản lý, giám sát, bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học và bố trí hạ tầng xử lý môi trường. Tuy nhiên, trên thực tế các quy hoạch này có sự bất cập chưa thực sự đáp ứng được các mục tiêu về quản lý, bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học và các định hướng mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.
          Với việc đưa công cụ Quy hoạch bảo vệ môi trường vào Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi, công cụ này sẽ có vai trò chủ đạo cho các loại hình quy hoạch liên quan đến quản lý, giám sát, bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học và bố trí hạ tầng xử lý môi trường gắn kết chặt chẽ với thực trạng môi trường và gắn kết với các hoạt động phát triển trong vùng quy hoạch.
          Quy hoạch các vị trí quan trắc môi trường hiện nay đã và đang được triển khai thực hiện nhằm đáp ứng các yêu cầu quản lý, giám sát chất lượng môi trường. Tuy nhiên, việc bố trí các trạm quan trắc môi trường cần được gắn kết chặt chẽ với phân vùng môi trường nhằm đưa ra mật độ trạm quan trắc, giám sát phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội và các định hướng phát triển phù hợp với mức độ tác động đến môi trường của các hoạt động phát triển trong hành lang các yêu cầu về tiêu chuẩn, quy chuẩn được áp dụng cho từng phân vùng môi trường và đảm bảo các mục tiêu, định hướng được đặt ra trong quy hoạch bảo vệ môi trường.
          Hiện nay, việc quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học, quy hoạch vườn quốc gia, rừng phòng hộ đang có những bất cập và tác động ngược trở lại với hiện trạng và định hướng phát triển kinh tế - xã hội. Rất nhiều khu vực thuộc các quy hoạch này đã được chuyển đổi thành rừng sản xuất hoặc được quy hoạch quỹ dành cho các hoạt động phát triển. Như vậy giữa các quy hoạch này với các quy hoạch phát triển cho sự mâu thuẫn và gây khó khăn cho các ngành, lĩnh vực trong việc thực hiện các giải pháp của phương án phát triển. Vì vậy, cần có phân vùng và định hướng cụ thể các tiêu chí quản lý, bảo vệ và bảo tồn để hài hòa giữa mục tiêu của các quy hoạch bảo tồn, phát triển rừng với thực trạng và quy hoạch phát triển của các ngành, lĩnh vực. Quy hoạch bảo vệ môi trường sẽ làm chức năng kết nối quá trình thực hiện các quy hoạch phát triển và bảo tồn.
          Trên thực tế, quy hoạch tài nguyên nước và các quy hoạch hệ thống xử lý môi trường chưa thực sự gắn kết với các quy hoạch phát triển tạo ra sự bất hợp lý trong bảo vệ tài nguyên nước và xây dựng hạ tầng hệ thống xử lý môi trường. Việc bố trí các hệ thống xử lý môi trường tại khu vực nhạy cảm hoặc có khả năng chịu tác động của các điều kiện địa hình, địa chất và địa lý tự nhiên đôi khi xảy ra tác động ngược là gia tăng ô nhiễm môi trường. Điển hỉnh là việc bố trí công trình xử lý môi trường ở vùng đất trũng thường xuyên chịu tác động của lũ khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Việc định hướng về quản lý, xử lý chất thải và giải pháp chung về bố trí các hệ thống hạ tầng xử lý môi trường theo điều kiện tự nhiên và áp lực của phát triển kinh tế - xã hội sẽ giúp giải quyết các vấn đề có liên quan đến các quy hoạch này.
          Quy hoạch sử dụng đất thực chất cũng là loại hình quy hoạch không gian dựa trên các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch bảo tồn và quy hoạch hệ thống xử lý môi trường. Tuy nhiên do các phát triển, quy hoạch liên quan đến quản lý, giám sát, bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học và bố trí hạ tầng xử lý môi trường chưa thực sự gắn kết với công tác quản lý và bảo vệ môi trường nên xảy ra nhiều bất cập trong thực hiện và thường xuyên phải tính đến các phương án điều chỉnh để phụ hợp với quá trình phát triển.
          Như vậy, quy hoạch bảo vệ môi trường không làm thay nhiệm vụ của các quy hoạch liên quan đến quản lý, giám sát, bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học và bố trí hạ tầng xử lý môi trường. Với các nội dung của quy hoạch bảo vệ môi trường, nó sẽ đóng vai trò chủ đạo trong việc định hướng các quy hoạch này phù hợp với quá trình thực hiện các phương án phát triển, đảm bảo phát triển bền vững.
III. Thực hiện quy hoạch bảo vệ môi trường:
Trên thực tế trong quá trình xây dựng Luật Bảo vệ môi trường năm 1993 và Luật Bảo vệ môi trường năm 2005, các nhà quản lý môi trường đã xây dựng các ý tưởng vệ quy hoạch môi trường. Tuy nhiên, phương pháp luận và sự đồng thuận trong việc lập quy hoạch môi trường chưa cho phép xây dựng các quy hoạch về môi trường.
Trong những năm vừa qua, nhận thức được tầm quan trọng của quy hoạch về môi trường, đã có rất nhiều ngành, lĩnh vực và địa phương tiến hành lập quy hoạch môi trường hoặc quy hoạch bảo vệ môi trường. Trên thực tế, các quy hoạch về môi trường này cũng đã đóng góp một phần hữu hiệu trong quản lý và là nền tảng để Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng phương pháp luận về quy hoạch bảo vệ môi trường phù hợp với điều kiện phát triển trong giai đoạn sắp tới của Việt Nam.
Song hành với các áp lực trong nước đòi hỏi phải có quy hoạch về môi trường để đáp ứng yêu cầu quản lý và bảo vệ song hành với phát triển bền vững, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã nghiên cứu các phương pháp luận về quy hoạch của một số nước Châu Âu, Châu Mỹ và Châu Á. Đặc biệt là mô hình của Nhật Bản, một Quốc gia có điều kiện tương đồng về bản sắc văn hóa, dân tộc, địa lý và đi trước chúng ta nhiều năm trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, đã có những trả giá vô cùng đắt khi đánh đổi giữa phát triển kinh tế - xã hội với sự suy thoái, ô nhiễm môi trường trầm trọng trong thập niên 60 của thế kỷ trước.
Dưới sự giúp đỡ của Nhật Bản thông qua cơ quan hợp tác phát triển JICA, tỉnh Quảng Ninh đã lập Quy hoạch môi trường tỉnh Quảng Ninh, Quy hoạch Môi trường Vịnh Hạ Long nhằm quản lý và bảo vệ môi trường hài hòa với các mục tiêu phát triển, mục tiêu bảo vệ di sản văn hóa Vịnh Hạ Long. Đây là mô hình quan trọng để định hướng các nội dung liên quan đến quy hoạch bảo vệ môi trường ở Việt Nam trong giai đoạn vừa đảm bảo phát triển vừa từng bước nâng tầm trong quản lý và bảo vệ môi trường.

Trong quá trình Dự thảo Luật bảo vệ môi trường để trình Quốc hội thông qua vào năm 2014, Bộ Tài nguyên và Môi trường nhận thấy sự cấp bách cần thực hiện Quy hoạch bảo vệ môi trường để đảm bảo phát triển hài hòa trên 3 trụ cột kinh tế - xã hội - môi trường và đây cũng là thời điển chín mồi để luật hóa các nội dung liên quan đến Quy hoạch bảo vệ môi trường. Quy hoạch bảo vệ môi trường cần được thực hiện thống nhất trong cả nước do cơ quan được giao trọng trách quản lý môi trường là Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì có sự tham gia và đồng thuận của các Bộ, ngành, địa phương có liên quan làm cơ sở để hài hòa giữa các mục tiêu phát triển và mục tiêu quản lý và bảo vệ môi trường. Thẩm quyền lập, thẩm định, thực hiện và các nội dung cơ bản của Quy hoạch bảo vệ môi trường đã được cơ quan Dự thảo soạn thảo và bổ sung sửa đổi trên cơ sở tham vấn ý kiến của các Đại biểu Quốc hội, các Bộ, ngành, địa phương và các chuyên gia có uy tín trong lĩnh vực quản lý môi trường.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét