Thứ Năm, 7 tháng 7, 2016

ĐỐI THOẠI NGẮN

(Tiếp tục về lương tri và trí thức)
Một ông Tiến sỹ phàn nàn:
- Các nhiệm vụ, đề tài khoa học bị cắt xén nhiều quá ông ạ, cứ mỗi thằng nó xẻo một tý đến mình còn có hơn năm mươi phần trăm thôi!
- Vậy à? thế ông có làm nhiều đề tài, nhiệm vụ khoa học không?
- Thì ông bảo Tiến sỹ như tôi thì năm nào mà chả cố chạy một vài cái để làm!
- Thế những cái đề tài, nhiệm vụ khoa học của ông có triển khai trong thực tế, đóng góp cho phát triển xã hội không hay lại vứt vào xó tủ?
- Ông bảo nó cắt xén thế thì chất lượng còn ra gì mà triển khai!
- Ông vẫn biết nó cắt xén, vẫn biết cái sản phẩm ông đẻ ra nó chả ra gì, chả đóng góp gì cho xã hội vậy tại sao ông còn cố để mà làm? Ông ạ, tiền các đề tài nhiệm vụ khoa học lấy từ nguồn ngân sách quốc gia nhằm thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Nó lấy từ nguồn thuế được đóng góp từ những đồng tiền thẫm đẫm công sức, mồ hôi và nước mắt của người dân đấy ông ạ!

SỰ KHỐN NẠN CỦA LƯƠNG TRI VÀ SỰ NGU SI CỦA TRÍ THỨC

(Đọc, nghe, cảm nhận và tư duy)
Có một ông Tiến sỹ có chuyên môn chả liên quan, không phân biệt được loài nọ với loài kia, con nào là con đực, con nào là con cái, le ve chụp ảnh, đăng bài thế là được báo chí tung hô coi ông là chuyên gia hàng đầu về một loài động vật, nhất nhất mọi thứ đều tham khảo ý kiến của ông!

Có ông Tiến sỹ vỗ ngực xưng là chuyên gia về thủy điện, đăng đàn chém rầm rầm, khi hỏi ông tại sao ông không phân biệt được đâu là thủy điện hồ chứa điều tiết năm và đâu là thủy điện đập dâng điều tiết ngày đêm thì ông mới thú nhận rằng chuyên ngành của ông chả liên quan gì đến thủy điện!
Có một ông Tiến sỹ còn đương chức, nhất định đòi bằng được việc xây dựng hướng dẫn nội dung quy định về một loại chính sách trong văn bản quy phạm phải theo tư duy và ý kiến của ông. Đến khi bị truy về tính logic, khoa học và thực tiễn của các quy định về chính sách này thì ông mới thú nhận là chả hiểu gì về nó cả!
Vừa rồi, có ông Tiến sỹ lên báo khẳng định chỉ cần xét nghiệm cá chết sau một ngày là ông có thể xác định được nguyên nhân cá chết ở ven biển miền Trung. Cũng mới vừa rồi, khi Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố nguyên nhân cá chết và khẳng định mọi thông số nước biển trong khu vực đều đã ở ngưỡng an toàn thì lại có ông Tiến sỹ lên mặt báo khẳng định: chất ô nhiễm vẫn còn tồn lưu trong trầm tích đáy mà không thèm để ý đến chất ô nhiễm là chất gì và cơ chế phân hủy, tồn tại của nó ra sao!
Với việc phát biểu và tư duy như thế, có ông muốn được báo giới và dư luận tung hô. Có ông lại muốn được thiên hạ biết đến như một nhà hoạch định chính sách tiên phong của nước nhà! 
Vâng, tên tuổi của các ông đã nổi như cồn, dư luận và báo chí thậm chí còn tung hô các ông là những nhà khoa học trung thực, có trách nhiệm với xã hội!
Và sự thực thì sao? Với cách làm của các ông, một loạt chính sách trên trời được ra đời, vô bổ và tốn kém, kìm hãm sự phát triển của đất nước! Với phát biểu vô tội vạ của các ông, có những dự án thực sự hiệu quả đối với nền kinh tế và tác động thấp hơn rất nhiều so với các dự án khác cùng loại không thể được thực hiện! Và tồi tệ hơn là sự tê liệt toàn bộ các hoạt động kinh tế - xã hội của cả một vùng rộng lớn không phải một ngày, một tháng mà cả chục năm! Không những thế nó còn tác động tiêu cực đến dư luận và xã hội trên toàn bộ đất nước!
Nước Nhật sau Đại thế chiến lần thứ hai là một nước bại trận, nền kinh tế kiệt quệ, nhưng với những nỗ lực phi thường của cả dân tộc, với trách nhiệm của cả cộng đồng trong đó có các trí thức, nhà khoa hoc, Nhật Bản đã vươn lên thành cường quốc thứ hai về kinh tế của thế giới! Không có khoa học, công nghệ, không có trí thức có lẽ nước Nhật sẽ không bao giờ đạt được thành tựu vĩ đại như ngày nay, đó chính là tính trách nhiệm và nỗ lực của trí thức Nhật Bản.
Còn ở Việt Nam, sự tàn phá của chiến tranh sẽ không thể nặng nề bằng sự háo danh, vô trách nhiệm của một số trí thức, nhà báo và cả một số quan chức nhà nước cũng như một số người thích thể hiện bản thân với xã hội! Môi trường ở Việt Nam đang bị ô nhiễm cả về tự nhiên và xã hội. Sự phát triển nào cũng có sự đánh đổi, môi trường tự nhiên đã và đang bị đánh đổi để có sự phát triển kinh tế - xã hội và đang được cả xã hội cố gắng chung tay để phục hồi, làm sạch, trả lại cho thế hệ tương lai. Nhưng môi trường xã hội đang bị ô nhiễm bởi thói háo danh, trục lợi, vô trách nhiệm thì đất nước này chỉ càng ngày càng kiệt quệ, dân tộc này không nhận được bất cứ lợi ích gì cả!
Sự háo danh, trục lợi và vô trách nhiệm đó có tên gọi là SỰ KHỐN NẠN CỦA LƯƠNG TRI VÀ SỰ NGU SI CỦA TRÍ THỨC!

NHÀ CẦM QUYỀN VÀ DƯ LUẬN


Khái niệm 1: Nhà cầm quyền biết lắng nghe và tôn trọng dư luận là một Nhà cầm quyền tốt, biết đặt lợi ích đất nước, lợi ích dân tộc lên trên lợi ích của những người cầm quyền.

Khái niệm 2: Nhà cầm quyền mà chà đạp hoặc phớt lờ dư luận là Nhà cầm quyền yếu kém và tàn độc.
Khái niệm 3: Nhà cầm quyền mà luôn chạy theo, tìm cách lấy lòng dư luận là Nhà cầm quyền đớn hèn; Nhà cầm quyền mà tìm cách định hướng dư luận để bóp méo sự thật là Nhà cầm quyền đê tiện.
Trên thực tế, Khái niệm 1 nhiều khi bị nhầm lẫn và đánh tráo với Khái niệm 2 và Khái niệm 3 cũng bởi chính dư luận vì dư luận lẫn lộn cả đúng, sai, tốt, xấu! Khi Khái niệm 2 và Khái niệm 3 cùng tồn tại trong một Nhà cầm quyền thì đó là khi sự yếu kém, tàn độc, đớn hèn và đê tiện cùng tồn tại.