Thứ Hai, 2 tháng 4, 2012

THƯ GỬI BỘ TRƯỞNG THĂNG

Kính gửi Bộ trưởng Đinh La Thăng,

Trước hết xin gửi Bộ trưởng lời chúc sức khỏe để đảm đương cương vị hiện tại mà Đảng, Nhà nước, Nhân dân giao phó. Cũng xin thưa Bộ trưởng là chính NHÂN DÂN là những người gián tiếp đặt Bộ trưởng vào cương vị hiện tại thông qua các đại biểu Quốc hội, điều này chắc Bộ trưởng cũng nắm được qua các quy định của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992! Và cũng chính Nhân dân đã đóng góp vào ngân sách những đồng tiền thuế để trả lương cho những người làm việc trong hệ thống cơ quan nhà nước, trong đó có Bộ trưởng.

Thưa Bộ trưởng,

Tôi đánh giá rất cao tâm huyết của Bộ trưởng trong việc cố gắng giảm thiểu sự ùn tắc giao thông trầm trọng ở Việt Nam trong giai đoạn hiện tại, đặc biệt là hai thành phố lớn: Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Bộ trưởng là người có vẻ rất quyết đoán, điều đó là cần thiết đối với một người đứng đầu một Bộ nhưng đề nghị Bộ trưởng có những cân nhắc kỹ lưỡng trước khi đưa ra một giải pháp, biện pháp và chính sách có liên quan đến giao thông nước nhà.

Để đưa ra một chính sách, giải pháp hay một biện pháp hành chính nào đó cần phải thận trọng, hãy đi tìm nguyên nhân của các vấn đề và hiệu quả hay hậu quả mà nguyên nhân đó mang lại! Bộ trưởng hãy cố tư duy xem nguyên nhân tắc đường hiện nay là do đâu? Ai là người gây ra hậu quả đó? Lẽ đời và pháp luật đã quy định người gây ra hậu quả là người phải gánh chịu trách nhiệm về hậu quả do mình gây ra, thưa Bộ trưởng.

Có thể Bộ trưởng với những mong muốn tạo nên sự đột phá, tạo giải pháp để thay đổi bộ mặt giao thông nước nhà nên Bộ trưởng chưa kịp suy nghĩ thấu đáo những vấn đề này! Là người đứng đầu Bộ Giao thông vân tải, Bộ trưởng đã xác định rõ nguyên nhân gây ra tình trạng tắc đường hiện này chưa? Xin thưa Bộ trưởng, có mấy nguyên nhân cơ bản và chủ yếu sau đây:

- Thứ nhất: tình trạng tắc đường tại các thành phố lớn hiện nay là do bất cập trong quản lý và điều hành đất nước. Một thời gian quá dài những tư duy cục bộ, tư tưởng vụ lợi và sự manh lún trong phát triển kinh tế - xã hội đã tạo ra sự thiếu đồng bộ, gây áp lực nên cộng đồng khi phát triển hạ tầng cơ sở không theo kịp tốc độ tăng trưởng của đất nước. Hay nói một cách khác công tác quy hoạch của nước nhà đã bộc lộ những yếu kém trầm trọng, thiếu khoa học và không có định hướng phù hợp. Vậy ai là người có quyền lập và thực hiện các quy hoạch? Không lẽ lại là nhân dân!

- Thứ hai: hệ thống giao thông Việt Nam thời gian xây dựng thì quá lâu mà tuổi thọ thì quá ngắn, vừa hoàn thành đưa ra sử dụng đã xuống cấp vì chất lượng không đảm bảo, lỗi này do đâu? Thiết kế cũng không phải dân, thi công lại cũng không phải dân và rút ruột công trình cũng lại không phải là dân! Chính Bộ Giao thông vận tải là cơ quan quản lý và điều hành đó, thưa Bộ trưởng.

- Thứ ba: Bộ trưởng hãy đánh giá nghiêm túc xem hệ thống các phương tiện giao thông công cộng tại các đô thị lớn của Việt Nam hiện nay ở vị trí nào so với các nước trong khu vực? à không, chỉ cần so với những năm trước 1975 ở chính các đô thị đó thôi, thưa Bộ trưởng? ai là người quản lý, điều hành phát triển hệ thống các phương tiện giao thông công cộng? không lẽ là người dân! Dân thì không bỏ được hệ thống tàu điện nội đô, dân cũng không được quyền mở các tuyến xe bus đâu Bộ trưởng ạ. Bộ trưởng suy nghĩ xem có Thủ đô nước nào mà xe máy nhiều như ở Hà Nội không và bây giờ nếu bỏ các phương tiện cá nhân thì nhân dân đi lại bằng phương tiện gì? Vậy việc phát triển phương tiện cá nhân và không phát triển phương tiện giao thông và hạ tầng đô thị có phải là do người dân không? Chắc chắn lại không rồi, thưa Bộ trưởng.

- Thứ tư: chúng ta vẫn nghe một trong những nguyên nhân gây tắc đường là do người dân thiếu ý thức! không lẽ người Việt ta văn hóa giao thông lại kém thế sao? Không, tôi nghĩ rằng đã đến lúc cần phải nhìn nhận lại vấn đề này. Chúng ta cứ nói ý thức nâng lên thành luật, điều này không đúng! Hãy nhìn lại việc cấm đốt pháo, bắt buộc đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông thì thấy rõ rằng chỉ có luật nâng lên thành ý thức mà thôi. Người Việt ra nước ngoài khi tham gia giao thông họ cũng tuân thủ và chấp hành pháp luật về giao thông của các nước sở tại như những người bản địa đó, thưa Bộ trưởng. Vậy ai là người soạn ra các quy định pháp luật và quản lý, điều hành việc thực hiện các quy định pháp luật đó? Chắc chắn không phải người dân rồi!

- Thứ năm: Bộ trưởng có thấy xe máy, ô tô tại Việt Nam có giá cao ngất trời so với thế giới không trong khi thu nhập của người dân thì ngược lại. Tại sao vậy Bộ trưởng? xin thưa, với lý do bảo hộ nền sản xuất ô tô non trẻ trong nước nên chúng ta (tất nhiên chúng ta ở đây không phải là người dân đâu, thưa Bộ trưởng!) đã đánh thuế quá cao,thuế đánh chồng lên thuế từ thuế nhập khẩu đến thuế tiêu thụ đặc biệt rồi thuế trước bạ tiếp đến đủ các loại phí được tích hợp vào đó nữa, vì vậy người dân phải chịu mua xe với giá đắt gấp 3 lần các nước trong khi thu nhập lại không bằng nổi 1/3. Vậy những đồng tiền dân phải bỏ ra đó đi đâu? Sao không được đầu tư để phát triển hạ tâng giao thông và đâu tư cho các phương tiện giao thông công cộng?

Với năm nguyên nhân kể trên, tôi không thấy có nguyên nhân nào xuất phát từ người dân cả, thưa Bộ trưởng! vậy sao lại bắt người dân phải chịu các hậu quả mà nguyên nhân không phải là những người dân gây ra?

Và như tôi đã phân tích ở trên: ai là người gây ra hậu quả là người phải gánh chịu trách nhiệm về hậu quả do mình gây ra, vậy với năm nguyên nhân nêu ra ở trong bài viết này Bộ trưởng có biết là ai là người gây ra tình trạng hỗn loạn trong giao thông đô thị hiện nay không? thưa Bộ trưởng.

Cuối cùng chúc Bộ trưởng đủ TÂM và TẦM để đảm đương trọng trách hiện tại mà Đảng, Nhà nước, Nhân dân giao phó. Dù thế nào đi nữa tôi tin rằng Bộ trưởng chắc chắn sẽ được lưu danh trong lịch sử nước nhà!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét