Thứ Hai, 27 tháng 4, 2020

CÁI CẦU TIÊU

Cầu tiêu gắn với thời kỳ bao cấp, không chỉ xuất hiện ở nông thôn mà cả thành thị cũng có. Ở Hà Nội cũng không ngoại lệ, chẳng qua nó có sự thay đổi chút xíu thành nhà xí có cái thùng chứa phân ở phía dưới. Chính vì vậy ở Hà Nội có hẳn một làng tên là Cổ Nhuế chuyên mang sọt rong ruổi khắp đất kinh kỳ để thu gom phân sống.
Cái cầu tiêu một thời gắn liền và vô cùng thân thuộc với người Việt và đất Việt là bởi nền nông nghiệp khi đó thuần túy sử dụng phân hữu cơ, bao gồm phân bắc và phân xanh. Đương nhiên cái phân bắc tức là phân động vật trong đó có phân người quý hơn hẳn phân xanh vốn dĩ ủ từ thực vật.
Dưới thời hợp tác xã, có hẳn một phong trào làm phân bắc, phân xanh. Nhà thơ Bút Tre ngày ấy có thơ ca ngợi thủ lĩnh phát động phong trào sản xuất phân hồi đó:
Hoan hô anh Nguyễn Chí Thanh,
Anh về phân bắc, phân xanh đầy đồng.
Cái ngày ấy, đi đâu cũng thoang thoảng mùi phân bắc, ruồi nhặng bu kín vào các bãi phân rồi vo ve bay khắp nơi nhưng cũng không mấy người kêu ca vì nó gắn liền với bát cơm manh áo của mọi gia đình. Thậm chí đối với nhiều nơi như làng Cổ Nhuế quê hương của đại tướng Văn Tiến Dũng người ta còn tranh cướp, giành giật từng gánh phân ngay giữa phố phường.
Thế rồi khi người ta sản xuất được phân vô cơ, các cánh đồng khi xưa chỉ trông chờ bằng phân bắc, phân xanh dần dần được bón bằng phân vô cơ thì các cái cầu tiêu cùng ít dần và biến mất ở các thành thị lẫn nông.
Đến bây giờ, những người đã sống qua thời kỳ đó mỗi khi nhớ lại cũng không hiểu tại sao người ta lại có thể sống trong môi trường với sự nồng nặc mùi phân sống từ cái cầu tiêu. Tất nhiên, cũng không một ai muốn quay trở về quá khứ không thể nào quên gắn liền với cái cầu tiêu ngày đó!
Thế vậy đấy, khi người ta sống trong một xã hội, một môi trường nồng nặc xú uế, nhơ nhớp, bẩn thỉu có thể người ta chẳng những không thấy khó chịu và bị đầy đọa mà còn có thể cảm thấy hài lòng với cái xã hội, cái môi trường đó. Mọi sự chỉ thực sự thay đổi khi người ta bước hẳn ra ngoài xã hội, cái môi trường đó để rồi chiêm nghiệm lại.
P/s: ảnh chôm trên mạng và lưu ý không đọc stt trước khi ăn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét